UY TÍN LÀ MỘT LOẠI CHI PHÍ CẦN KIỂM SOÁT
Trong nhiều trường hợp, các chủ DN có xu hướng tiết kiệm chi phí, duy trì khả năng hoạt động thông qua việc sử dụng miễn phí các dịch vụ, trì hoãn thanh toán cho nhà cung cấp, nhân viên, ngân hàng…; hay thậm chí thường xuyên thương lượng những điều khoản thanh toán theo hướng chiết khấu/giảm giá cho mình nhiều hơn. Cách làm này trong thoạt tiên có lợi cho dòng tiền của DN trong ngắn hạn; nhưng về lâu dài, nó có thể làm cho DN tốn nhiều chi phí hơn trong tương lai, bởi:
Thứ nhất, bởi uy tín trong thanh toán giảm, DN sẽ khó được các đối tác đưa ra mức giá ưu đãi nhất.
Thứ hai, về phần nhân lực, hiếm có cá nhân giỏi nào lại muốn gắn bó với một đơn vị thiếu sòng phẳng với người lao động. Vì vậy, DN sẽ phải tốn chi phí phát sinh cho việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự mới, …
Thứ ba, việc trễ hạn trong trả những khoản nợ vay ngân hàng cũng sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng hay nói cách khác là khả năng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng ngày càng khó hơn.
Thực tế, có nhiều chủ DN “tỏ ra” rất rành luật hay trì hoãn đến ngày quá hạn thứ 9 mới thanh toán nợ – để không nhảy nợ nhóm 2 nhưng đâu biết rằng quá hạn 1 ngày thôi là cũng đã bị giảm điểm trong hệ thống xếp hạng nội bộ của ngân hàng rồi. Và có thể ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay đối với DN.
Nếu lỡ may rơi vào tình huống khó khăn trong tương lai, những DN có uy tín thấp sẽ rất khó để nhận được sự giúp đỡ từ các đối tác hay từ bên ngoài. Điều này càng khó khăn hơn khi xoay xở xử lý vấn đề thanh khoản của chính mình. Vì vậy, uy tín hay sự tín nhiệm cũng là một loại chi phí nếu DN không chú tâm bồi đắp trong hành trình phát triển của mình.